Tân tổng thống Donald Trump đặt vấn đề kéo giảm thâm hụt thương mại lên hàng đầu nên sẽ "soi" rất kỹ xuất xứ hàng hóa. Việt Nam cần tránh rơi vào tình trạng bị xem là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ dẫn đến bị áp mức thuế cao.
Với đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc đến là 60%, việc ông Donald Trump đắc cử được cho là cơ hội để hàng hóa Việt Nam gia tăng vào thị trường này. Dù vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo dưới chính quyền của ông Trump, Việt Nam cũng có thể đối mặt với một số thách thức đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực gỗ, dệt may... đi vào Việt Nam để lách nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Kỳ vọng hàng hóa Việt Nam hưởng lợi
Tại Công ty TNHH đồ gỗ Nghĩa Sơn, sản phẩm đưa vào thị trường Mỹ chiếm đến 50% tổng lượng xuất khẩu. Vì vậy, giám đốc công ty, ông Huỳnh Lê Đại Thắng khá quan tâm về diễn biến bầu cử Tổng thống nước này trong thời gian qua.
Quan sát các giải pháp kinh tế và thương mại quốc tế của hai ứng viên tranh cử, ông Thắng cho rằng sự quyết liệt trong việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu của ông Trump, đặc biệt là mức thuế 60% đối với hàng từ Trung Quốc sẽ khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ tìm những nguồn cung cạnh tranh hơn về giá.
Ông tin rằng, với lợi thế ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam như hiện nay thì nhiều nhà nhập khẩu xứ cờ hoa vẫn sẽ tiếp tục đến để tìm nguồn hàng. Vì vậy, tỷ lệ xuất khẩu của công ty vào Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ tăng lên 70%, bù đắp cho thị trường EU, nơi ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn sản xuất và xanh hóa.
Đại diện của ngành đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đang thuận lợi. Trong đó, nhiều công ty đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2025. Đáng chú ý, thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành đang phục hồi rõ rệt.
"Với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của tân Tổng thống thì có khả năng, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng lên trong thời gian tới", ông Phương nói.
Với ngành dệt may,tình hình sản xuất cũng đang thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp cho biết, không chỉ có đơn hàng để thực hiện cho đến cuối năm nay mà còn có cho cả quí 1 năm 2025.
Trao đổi với KTSG Online trước khi có kết quả bầu cử, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex) nhận định, ai thắng cử thì dệt may của Việt Nam vẫn có lợi. Tuy nhiên, việc ông Trump áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc sẽ tốt hơn cho hàng xuất khẩu vì các nhãn hàng sẽ chuyển dịch đơn hàng qua Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, những doanh nghiệp dệt may - ngành thâm dụng lao động lớn, khó có thể bị thay thế bởi doanh nghiệp Mỹ và gỗ sẽ được hưởng lợi khi ông Trump nắm quyền.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành giày dép, cà phê, rau quả… cũng đánh giá, việc ông Trump thắng cử sẽ đem lại cơ hội để kéo nguồn khách từ Trung Quốc. Lý do là khi Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc thì khách hàng nước này có thể sẽ tăng cường nguồn mua hàng từ Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước hưởng lợi.
Báo cáo của Standard Chartered và một số tổ chức khác cũng cho rằng, nếu Mỹ áp thuế 60% với hàng Trung Quốc thì Việt Nam và Mexico có thể một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu. Mức độ tiêu dùng mạnh mẽ từ thị trường này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Các số liệu cho thấy, tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi tốt trong năm nay. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 88 tỉ đô la, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 29,4% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Cần kiểm soát dòng vốn FDI vào ngành gỗ, dệt may
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ở nhiệm kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống trước đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá thuận lợi, một số ngành hàng như dệt may, da giày… đã vươn lên nằm trong tốp đầu xuất vào Mỹ.
Chuyên gia này tin rằng, khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi và tăng lên, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ ngày càng lớn mạnh.
Ông lý giải, việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc là mục tiêu chiến lược trong chính sách của Mỹ thời gian qua. Do đó, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.
"Các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì có thị trường mở, ổn định, vị trí chiến lược và và môi trường đầu tư thuận lợi. Họ đầu tư sản xuất thường hướng đến xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ tiêu dùng lớn là một trong những đích đến”, ông dự báo.
Theo đó, khu vực FDI đang chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước, khi vốn ngoại vào sản xuất tăng lên thì sẽ tiếp tục đẩy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này tăng theo. Ở chiều hướng ngược lại, khu vực sản xuất trong nước ngày càng yếu thế bởi trình độ quản trị còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rất ít thương hiệu được thế giới biết đến bởi xuất khẩu nhiều qua trung gian hoặc làm gia công. Mặt khác, việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao, ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt.
Cũng nhận định vốn FDI sẽ tăng cao vào Việt Nam, ông Phương của HAWA cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ dòng đầu tư, nhất là doanh nghiệp gỗ nước ngoài chuyển đến Việt Nam sản xuất xuất vào Mỹ. Khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ với đồ gỗ Việt Nam, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Tương tự, trong ngành dệt may, ông Hồng của Agtex cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát dòng FDI rót vào may mặc chuyển từ Trung Quốc sang nhằm né thuế áp cao của Mỹ. Cùng với đó là chọn lọc vốn FDI đến cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước và nên thu hút các dự án mang lại giá trị gia tăng cho ngành hoặc đang bị thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều như vải sợi, nguyên phụ liệu của ngành, ông Hồng nói.
Ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC, cũng cho rằng nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chú ý đến các chính sách định giá để tránh vi phạm quy tắc chống bán phá giá của Mỹ đồng thời tránh kinh doanh những sản phẩm bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Theo đó, ông Trump quan tâm vấn đề thâm hụt thương mại nên "soi" rất kỹ vấn đề xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu thương mại, tăng tương tác và thắt chặt quan hệ giao thương để hai bên hiểu nhau hơn là biện pháp giảm rủi ro cho Việt Nam trước chính quyền mới.
Nhiều chuyên gia cũng dự báo, dưới chính quyền của ông Trump, Việt Nam cũng có thể đối mặt với thách thức khác về kinh tế. Trong đó, việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ có thể khiến các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép... phải đối mặt với khó khăn khi nhu cầu từ thị trường Mỹ giảm vì hàng hóa nhập quá đắt đỏ.